Tết của người con xa xứ là như thế nào?
Tết của ngày xưa là niềm hân hoan khi được mua quần áo mới, được giơ hai tay nhận lì xì đỏ, được quây quần bên những người anh, người chị chưa chịu áp lực của người trưởng thành. Tết của những năm lớn hơn chút vẫn là niềm vui khi được quần áo mới, lì xì đỏ, nhưng phần nào dịu lại vì có thêm tiếng hò đò từ mẹ, từ cha.
Hình như càng lớn, mình dần dần cảm nhận Tết mất dần đi cái không khí xưa. Háo hức cũng chỉ là cái cảm giác ban đầu nhưng khi thơ thẩn trong những ngày Tết, bản thân chỉ lại mong Tết đi qua thật nhanh. Ấy thế mà Tết của năm đầu xa xứ lại thấy ngày này đáng quý nhường nào.
Không còn phải xách khăn, thùng nước đi lau bụi bẩn bám trên những kẽ hở trên những chiếc ghế gỗ bố mua ở trong căn nhà. Không còn phải nghe tiếng hò đò lấy cho bố cái bát, lấy cho bố cái đĩa, rửa cho bố mớ rau, cái xoong, cái nồi. Hay thi thoảng những câu la mắng đến từ mẹ chỉ vì thi thoảng chui vào trong phòng rúc đầu nghịch điện thoại.
Năm nay, cũng không còn phải xách trên tay cái làn, cái bật lửa, bó hương, bó hoa đi tìm mộ ông bà đằng nội và mộ các cụ nội lẫn ngoại. Không còn xúng xính áo quần đi mua đồ Tết với mẹ hay đơn giản ngồi mỏi mệt coi xe ngoài chợ mỗi sáng sớm.
Không còn tiếng cằn nhằn từ mẹ, từ cha, nghe câu nói mỗi năm như một của mẹ: “Mai mùng 1, chị em chúng mày mà đánh nhau thì liệu hồn”. Tết năm nay không được sum vầy bên gia đình nữa , nhớ cái cảm giác chỉ cần ở nhà thôi, nhớ những món ăn ngày Tết.

Tết của người con xa xứ cũng đón pháo hoa, nấu những món ăn truyền thống, nhận lì xì đỏ từ những người anh, người chị lần đầu tiên xa nhà như mình, nhưng có người đã là lần thứ hai, lần ba. Một cái Tết sum vầy thiếu hương vị quê nhưng đủ ấm áp để tìm lại niềm hân hoan.