Tuổi 22 vừa qua, mình kể câu chuyện này nhé. Có chút nhẹ nhõm khi được viết ra, được nhẹ lòng và chẳng còn phải giấu kín như xưa nữa.
Có thể mình dở hơi, cũng có thể mình mít ướt khi ngồi cãi nhau mình cũng có thể khóc được. Mình khóc chẳng phải vì mình không cãi lại được, tính mình đi đâu ai cũng bảo ngang như cua vì luôn cãi cho bằng được.
Mình khóc có thể đơn giản vì người ta đụng chạm tới mình, hay mình bị tủi thân, cũng có thể mình nghĩ quá nhiều và đôi khi có những việc nó ảnh hưởng tới suy nghĩ của mình nhiều quá.
Cái tuổi 22 vừa qua tính ra biến cố kì lạ. Ngày qua tuổi mới, lần đầu tiên ngồi khóc trong ngày sinh nhật vì chờ đợi một tin nhắn từ một người từng quen, từng hứa hẹn. Đợi đến khi còn 5, 10 phút vẫn một chút hi vọng mong manh nhỏ xíu nhưng thời gian vẫn trôi và cũng chẳng có gì xảy ra.
Hà Nội khi ấy lạnh rồi, mải đi làm kiếm tiền, không về phòng nữa mà ở công ty, nằm ngủ đến 5h30 sáng, 6h vào ca. Nói ngủ luôn thì là nói dối, mà nằm khóc thút thít trong chiếc chăn vừa đủ ấm người.
Đấy, tự nhiên đi khóc vì một người bạn cũ vào ngày đặc biệt có chút không đáng.
Hồi bé, bố mẹ đánh đau, bị mắng, ai chả khóc. Khóc vì đau, vì tức vì giận, cũng có chút tội lỗi. Nhưng vẫn chứng nào tật nấy, mỗi năm lại đắc tội, bị mắng nhiều lần. Bố mắng ít lắm vì bố đi làm xa, một năm về một lần, còn lại toàn bị mẹ mắng.
Ấy thế, cái năm 22 tuổi, ngồi khóc thút thít, bên một đứa bạn, qua cuộc điện thoại, hay trong chiếc rèm giường. Khóc vì tội lỗi, khóc vì sự thờ ơ của bản thân và khóc vì những thứ đáng để khóc.
Chuyện của những ngày tháng 4 năm ấy đáng thât mà, nhận ra hơi chậm, hơi muộn nhưng cũng là bài học nhìn lại mọi thứ.
Mình biết ơn con Huê nhiều lắm vì nếu không có nó, chả biết bao giờ mình mới chủ động gọi cuộc gọi vào lúc nửa đêm đó dù không nhận được phản hồi.
Ngày mùng 9 tháng 4, đủ dũng cảm lần nữa để gọi điện cho bố. Bố nói đau lòng lắm, càng nghe lời nói của bố, càng khóc càng to ở hành lang tầng 4. Mấy thằng cu đi qua cũng kệ vì chả còn quan tâm nữa. Hơn một tháng không gọi điện chỉ vì không dám xin lỗi, không dám đối diện bố. Lạ thật, xin lỗi một người lạ thì dễ mà người thân thì thấy khó.
Ngày hôm đó, hết khóc ở hành lang, vào trong phòng, chui vào chiếc giường bao quanh bởi chiếc rèm cũng không thể ngừng khóc. Chỉ biết bản thân khóc rất lâu, khóc đến sưng cả mắt. Con Nhung, con Huê, con Tôm nhận ra, biết mình có chuyện nhưng xấu hổ chẳng dám nói.
Xem nào, từng câu nói khi ấy có bao giờ mình dám quên. Cứ vừa kể, vừa nói một câu với mẹ, với bố là lại khóc. Có lẽ đó là lần đầu tiên, mình khóc nhiều đến thế. Mình nhận ra nước mắt dễ rơi thật, nhưng nó chỉ nên dành cho những điều xứng đáng.
Ngày 12 tháng 4, cuộc nói chuyện chỉ kéo dài 5 phút 14 giây, nhưng đó là hạnh phúc khoảnh khắc nhất khi mình làm hòa với bố. Kể ra thì thấy xấu hổ nhưng tính ra tính mình tệ quá. Mình để ý tới cảm nhận của người ngoài, nhưng chẳng đoái hoài tới cảm nhận của người thân.
Ngày 17 tháng 4, quyết định về nhà, đối diện với bố dù bố đã tha lỗi cho. Một chút trầm mặc khi đối diện với bố, thât khó mở lời ra trước. Tính ra bản thân chẳng bao giờ giải quyết được những vấn đề của bản thân. Ấy vậy mà ngày xưa ước làm bác sĩ tâm lý chỉ vì đoán được thầy, cô giáo gọi ai lên trả bài.
Biến cố vẫn tiếp tục xảy ra những tháng cuối năm nhưng kì lạ thay, thi thoảng tâm trạng có hơi chùng xuống nhưng không còn khóc như ngày xưa nữa. Bây giờ, chỉ dám nhận đỡ hơn xưa chứ đông người một cái, nói cái gì là vẫn có thể khóc được đó.